Lá tía tô là bài thuốc dân gian chữa bệnh mang lại hiệu quả rất tốt.
Tía tô dù là loại cây gia vị dân dã nhưng lại là vị thuốc “trứ danh” trong Đông y được thần y Hoa Đà phát hiện.
Tía tô có tên khoa học là Perilla frutescens, còn có tên gọi khác là tử tô, tử tô ngạnh… là một trong số 8 loài cây tía tô thuộc họ hoa môi, giống như húng.
Tía tô là loại cây thảo, cao 0.5 – 1m, lá mọc đối, mép khía răng, mặt dưới tím tía, có khi 2 mặt đều tía, nâu hay màu xanh lục có lông nhám.
Hoa tía tô nhỏ mọc thành chuỗi dài ở đầu cành, màu trắng hay tím, mọc đối, 4 tiểu nhị không thò ra ngoài hoa.
Quả tía tô là dạng quả bế, hình cầu. Toàn cây có tinh dầu thơm và có lông.
Loài tía tô mép lá quăn có giá trị sử dụng cao hơn.
Ngộ độc thức ăn
Dùng 1 nắm lá tía tô giã lấy nước cốt uống. Trường hợp có nổi mẩn ngứa do dị ứng bạn có thể dùng bã lá tía tô xát lên chỗ ngứa, cũng có thể thay thế bằng lá tía tô tươi xát lên nhiều lần.
Dùng 10g lá tía tô, 8g gừng tươi, 2g cam thảo sắc với 600ml nước, lấy lại 200ml uống nóng ngày 2-3 lần.
Táo bón
Hạt tía tô, hạt mè mỗi thứ 20g, giã nhuyễn trộn đều với nước. Nấu chín, gạn bã, lọc lấy nước uống hàng ngày.
Cũng có thể sử dụng nước đã lọc ở trên nấu cháo với gạo tẻ để ăn cũng rất tốt và phát huy hiệu quả chữa bệnh.
Chữa cảm lạnh
Lấy vỏ một quả quýt cạo rửa sạch cùng 3 lát gừng dày và một nắm lá tía tô tươi hoặc khô cho vào nồi, thêm vào một bát nước, đun sôi kỹ, uống nóng và đắp chăn ấm. Cũng có thể lấy một nắm lá tía tô tươi, 2 củ hành và 3 lát gừng, tất cả thái nhỏ cho vào bát, đập một quả trứng gà rồi múc cháo hoa vào trộn đều ăn nóng, bệnh cảm sẽ hết.
Chữa ho có đờm, viêm phế quản mạn
Tinh dầu tía tô có tác dụng ức chế các vi khuẩn tụ cầu vàng, liên cầu tan máu, phế cầu. Hoạt chất luteolin trong tía tô có tác dụng chống dị ứng. Tía tô được dùng làm thuốc long đờm, chữa ho nhiều đờm. Ngày dùng 3-10g, sắc uống.
Theo Phunutoday