Theo y học cổ truyền chứng táo bón kéo dài thường do cơ địa (yếu tố bẩm sinh) như âm hư, huyết nhiệt hoặc do thiếu máu làm tân dịch giảm gây ra, hoặc do người già, phụ nữ sau đẻ cơ nhục bị suy yếu khí trệ, hoặc do người vốn dương hư không vận hành được khí gây tân dịch không lưu thông hoặc di kiết lỵ mãn tính làm tỳ vị kém vặn hoá hây táo bón. Y học cổ truyền chia táo bón thành các thể khác nhau.
Táo bón do cơ địa âm hư, huyết nhiệt: táo bón lâu ngày, thường xuyên họng khô, miệng khát, hay lở loét miệng, tính tình cáu gắt. Dùng bài thuốc sau: Lá dâu 100g, vừng đen 100g, mạch môn 100g, sa sâm 200g. Tất cả các vị này rửa sạch, để khô rồi xay thành bột mịn, mỗi ngày trộn 10 – 20 g với mật ong uống. Ngày uống 2 lần.
Táo bón do thiếu máu ở phụ nữ sau đẻ, người mới ốm dậy: Khó đại tiện, người gầy còm, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt. Dùng bài thuốc: Thục địa 12g, đương quy 8g, xuyên khung 8g, bạch thược 12g, bá tử nhân 8g, vừng đen 8g, đại táo 3 quả. Sắc uống ngày 1 thang.
Táo bón do khí hư thường gặp ở người già, phụ nữ sau đẻ nhiều lần trường lực cơ giảm với các triệu chứng cơ nhão, táo bón, hay đầy bụng, chậm tiêu, ăn kém, ợ hơi. Dùng bài thuốc: Bạch truật 12g, đảng sâm 16g, hoài sơn 12g, sài hồ 12g, kỷ tử 12g, vừng đen 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Táo bón do khí trệ, thường gặp ở những người ngồi lâu, ít hoạt động hoặc do viêm đại tràng mạn tính. Dùng bài thuốc: Đẳng sâm 16g, bạch truật 12g, chỉ xác 12g, chỉ thực 12g, hậu phác 10g, vừng đen 10g, chút chít 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Theo Suckhoedoisong