Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh có đặc điểm tắc nghẽn lưu lượng khí thở ra thường xuyên bị hạn chế không hồi phục hoặc chỉ hồi phục một phần. Bệnh tiến triển, thường có tăng phản ứng đường thở, do viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng gây ra.
Bệnh COPD là biến chứng của viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng và hen phế quản ở mức độ không hồi phục.
Theo một vài nghiên cứu, ở Mỹ có hàng chục triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với tỷ lệ dao động từ 4-6% ở nam và 1-3% ở nữ giới da trắng tuổi trưởng thành; ở châu Âu, chỉ số lưu hành của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ 23-41% ở những người nghiện thuốc lá, tỷ lệ nam/nữ là 10/1. COPD gây tử vong đứng hàng thứ 5 trong các nguyên nhân gây tử vong trên thế giới. Ở Pháp, tử vong do COPD là khoảng 20.000 người mỗi năm.
Biểu hiện của COPD
Bệnh COPD chủ yếu gặp 2 thể: thể hồng thổi và thể xanh phị.
Thể thổi hồng: khí phế thũng chiếm ưu thế, có các đặc điểm là người bệnh gầy, khó thở là chủ yếu, ít ho khạc đờm, ít bị nhiễm khuẩn phế quản, tâm phế mạn xuất hiện muộn (thường bị ở giai đoạn cuối), phù không rõ, bệnh nhân có ngực hình thùng, rút lõm cơ ức đòn chũm, gõ vang, nghe phổi rì rào phế nang giảm. Đo thông khí phổi, khí cặn tăng rõ, khí máu bình thường, chỉ giảm nhẹ PaO2. Trên phim chụp Xquang thấy phổi căng giãn, tim hình giọt nước.
Thể xanh phị: viêm phế quản mạn tính chiếm ưu thế, thường gặp ở người béo bệu; da bệnh nhân tím tái; ho khạc đờm nhiều năm rồi mới khó thở; bệnh nhân thường bị nhiễm khuẩn phế quản, hay gặp những đợt suy hô hấp; tâm phế mạn xuất hiện sớm: phù mắt cá chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, thường kèm theo hội chứng ngừng thở tắc nghẽn khi ngủ. Chụp phim Xquang có hình ảnh phổi bẩn, bóng tâm thất phải rộng. Đo khí máu: giảm PaO2, thường kèm theo tăng PaCO2, tăng hồng cầu và Hematocrit.
Chẩn đoán xác định bệnh thường dựa vào các triệu chứng: bệnh nhân trên 40 tuổi, thường là nam giới, tiền sử có hút thuốc lâu năm; ho và khạc đờm, khó thở trên 2 năm; tiền sử hay có đợt nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính; chụp Xquang phổi: có thể có hội chứng phế quản, khí phế thũng; đo thông khí phổi: tắc nghẽn lưu lượng thở không hồi phục.
Các nhóm thuốc điều trị COPD
Thuốc kháng sinh: trong đợt bùng phát phải chống nhiễm khuẩn phế quản khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn, có thể dùng kháng sinh nhóm cephalosporin kết hợp với gentamyxin. Khi có điều kiện nên làm kháng sinh đồ để sử dụng thuốc kháng sinh kết hợp. Dùng thuốc giãn phế quản, thuốc kháng cholinergic (atrovent) điều trị triệu chứng. Nếu khó thở nặng có thể dùng diaphylin, cocticoid, khí dung (pulmicort), dùng thuốc long đờm, vỗ rung, cho bệnh nhân thở ôxy. Trường hợp có suy hô hấp nặng, bệnh nhân rối loạn ý thức, tím tái, toan hô hấp mất bù cần phải thở máy. Nếu bệnh nhân có tâm phế mạn thì phải điều trị suy tim kết hợp.
Thuốc kích thích bêta 2: loại có tác dụng ngắn như albuterol, pirbuterol, terbutaline, metaproterenol… nhóm thuốc này có ưu điểm là ít tác dụng phụ trên nhịp tim và huyết áp; thời gian bắt đầu tác dụng sau khi uống từ 5-15 phút, kéo dài 4-6 giờ. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân có thể dùng loại thuốc có tác dụng dài như albuterol phóng thích chậm và salmeterol dạng hít, thời gian bắt đầu tác dụng: 15-30 phút, kéo dài 12 giờ.
Thuốc anticholinergic: (Irpatropium bromide) loại này có thời gian bắt đầu tác dụng 30-60 phút, kéo dài 4-6 giờ.
Theophyllin: thuốc giãn phế quản tác dụng yếu, có lợi ích trên việc làm tăng thông khí, tăng co bóp cơ hoành và tăng cung lượng tim hơn là tác dụng giãn phế quản. Cần theo dõi nồng độ thuốc trong máu ở người già, bệnh nhân có suy tim, suy thận và suy gan. Tương tác thuốc cần lưu ý: các thuốc như nhóm macrolid, quinolones, propranolol nếu dùng đồng thời với theophylline có thể làm kéo dài thời gian bán hủy của theophylline.
Glucocorticoid: (thường dùng prednisone) được dùng điều trị COPD giai đoạn 3 đáp ứng không đầy đủ với điều trị phối hợp các loại thuốc giãn phế quản.
Thuốc ức chế alpha 1-antitrypsin: nên dùng điều trị ở bệnh nhân trên 18 tuổi; có bằng chứng thiếu men alpha 1-trypsin; có tắc nghẽn dòng khí; đã ngưng hút thuốc. Liệu pháp a1 antitrypsin, sử dụng thuốc kháng men protease tổng hợp (prolastin) tác dụng ức chế elastase bạch cầu.
Ngoài ra để điều trị COPD, còn dùng phương pháp phẫu thuật để ghép phổi, phẫu thuật cắt bỏ bóng khí thũng, phẫu thuật giảm thể tích phổi.
Để phòng bệnh, bệnh nhân cần bỏ thuốc lá, tăng cường chế độ dinh dưỡng; nên cho bệnh nhân dùng các vitamin A, C, E giúp nâng cao thể trạng; cố gắng giảm ô nhiễm không khí ở nơi làm việc và nơi ở…
Theo Suckhoedoisong