Khám âm đạo chỉ thực sự cần thiết trong trường hợp sản phụ đã có cơn co chuyển dạ, bị rỉ ối/ vỡ ối hoặc quá ngày dự sinh.
Khám âm đạo (hay còn gọi là khám trong) là thủ thuật thường được thực hiện với bà bầu đã xuất hiện cơn co chuyển dạ hoặc với những trường hợp quá ngày dự sinh. Phương pháp khám đơn giản nhưng lại khiến nhiều mẹ bầu sợ hãi và ngượng ngùng. Để thực hiện khám âm đạo, bác sỹ đeo găng tay và đưa tay vào bên trong âm đạo kiểm tra cổ tử cung đã mở được bao nhiêu phân. Từ đó có những đánh giá quan trọng về quá trình chuyển dạ và sinh nở.
1. Khám âm đạo có thực sự cần thiết hay không?
Khám âm đạo chỉ thực sự cần thiết trong trường hợp sản phụ đã có cơn co chuyển dạ, bị rỉ ối/ vỡ ối hoặc quá ngày dự sinh. Những trường hợp chưa có cơn co, chưa đến ngày dự sinh thì không thực sự cần thiết phải tiến hành khám âm đạo.
Mẹ bầu cũng lưu ý, chỉ khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, bị vỡ ối, có cơn co chuyển dạ hay quá ngày dự sinh thì mới nhập viện. Không nên nhập viện quá sớm, vì thông thường sẽ bị trả về nhà.
2. Chỉ thực hiện khám trong khi có sự đồng ý của sản phụ
Trước khi thực hiện khám trong, bác sỹ sẽ hỏi ý kiến của sản phụ. Nếu sản phụ đồng ý mới được thực hiện. Trước khi khám, bac sỹ sẽ giải thích cho sản phụ về:
– Lý do tại sao phải khám trong
– Khám trong được thực hiện như thế nào và sản phụ sẽ có cảm giác ra sao
– Sẽ dừng khám trong ngay khi sản phụ yêu cầu
– Trong quá trình khám có thể cho người nhà vào cùng
– Bảo đảm sự riêng tư, thực hiện khám trong phòng kín
Để thực hiện khám âm đạo, bác sỹ đeo găng tay và đưa tay vào bên trong âm đạo kiểm tra cổ tử cung đã mở được bao nhiêu phân. Từ đó có những đánh giá quan trọng về quá trình chuyển dạ và sinh nở.
3. Khám trong không thể dự đoán ngày dự sinh
Nhiều sản phụ sốt ruột nên nhờ bác sỹ khám trong để biết được khi nào cổ tử cung mở và cơn co chuyển dạ đến. Tuy nhiên, khám trong không thể dự đoán ngày dự sinh. Kể cả khi cổ tử cung đã mở, khám trong cũng không giúp bác sỹ tiên đoán được thời gian em bé sẽ chào đời. Thông thường sẽ mất khoảng 1 tiếng để cổ tử cung mở 4cm. Nhưng không phải sản phụ nào cũng giống nhau. Có những người mất khoảng 10-12 tiếng để cổ tử cung mở 7cm, sau đó mở hoàn toàn trong thời gian rất ngắn.
4. Khám trong có thể gây gián đoạn cho quá trình sinh nở
Khi chuyển dạ, cơ thể sản xuất ra hormone oxytocin – gây ra các cơn co tử cung và làm mờ cổ tử cung. Sản phụ cần được sinh nở trong không gian riêng tư, thoải mái và yên lặng để có thể tập trung rặn đẻ. Tuy nhiên việc khám trong có thể khiến sản phụ bối rối, ngượng ngùng, thậm chí gây đau. Vô tình làm ảnh hưởng đến quá trình sinh nở tự nhiên. Vì vậy khi sản phụ đang đau đẻ, không cần thiết phải khám trong.
5. Khám trong làm tăng nguy cơ viêm nhiễm
Khám trong cũng làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, dù trước khi tiến hành khám, bác sỹ đã đeo găng tay vô trùng. Khả năng ối bị vỡ do khám trong cũng rất cao, do đó chỉ thực hiện khám trong khi thật cần thiết.
6. Khám âm đạo trong khi sinh nở không có tác dụng khuyến khích sản phụ
Thử tưởng tượng một sản phụ vất vả hàng tiếng đồng hồ, được bác sỹ khám trong và thông báo “mới chỉ mở 4 phân thôi”, thì sản phụ đó thất vọng đến thế nào. Thay vì cứ vài tiếng khám âm đạo một lần để xem mở được bao nhiêu phân, hãy khích lệ và động viên sản phụ cố gắng tập trung vào cơn co, nhịp thở để con yêu chào đời an toàn.
7. Khám âm đạo có thể khiến sản phụ có cảm giác mình bị xâm phạm
Khám âm đạo được thực hiện bằng cách, bác sỹ đưa ngón tay vào bên trong âm đạo và tiến hành thăm khám. Dù đây là quá trình thăm khám bắt buộc nhưng cũng khiến nhiều sản phụ “ngượng chín mặt”, nhất là khi được thăm khám bởi bác sỹ nam. Đối với những người từng bị xâm hại tình dục trong quá khứ, thì việc khám âm đạo quả là một trải nghiệm đáng sợ đối với họ. Nói như vậy không có nghĩa khám âm đạo là việc làm xấu. Mà ở đây nhấn mạnh rằng chỉ khám âm đạo trong trường hợp cần thiết và bắt buộc.
Theo Phunutoday