Hầu hết ai trong chúng ta đều trải qua những lúc bị mất ngủ. Điều đó là bình thường và mất ngủ đó chỉ là nhất thời, do nguyên nhân stress hoặc những yếu tố bên ngoài… Nhưng nếu mất ngủ kéo dài và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày thì đó lại là một vấn đề gây ra hậu quả tiêu cực đến sự thăng bằng về sức khỏe và cảm xúc của bạn. Khi ấy có thể cần đến sự trợ giúp của thuốc ngủ…
Có nhiều loại thuốc để điều trị mất ngủ:
Những thuốc do bác sĩ kê đơn
Benzodiazepin: là loại thuốc giải lo âu, gây ngủ thường được sử dụng để điều trị mất ngủ. Thuốc tác dụng bằng cách tăng hoạt động của GABA là một chất dẫn truyền thần kinh ức chế chính ở não, tác động vào thùy trán và vùng amydale của não bộ làm giảm sự hoạt động của các tế bào thần kinh, gây giảm căng thẳng, tác dụng điều trị mất ngủ do lo âu.
Thuốc chống trầm cảm gây ngủ: một số thuốc chống trầm cảm gây ngủ như amitriptylin, mitazapin… do làm ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin ở não, có tác dụng điều trị trầm cảm, do đó cải thiện được mất ngủ khi mất ngủ là triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Thuốc không cần kê đơn
Kháng histamin: là một thuốc từ lâu đã được coi như là thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ do nó phong tỏa receptor của histamin, một chất dẫn truyền thần kinh điều hòa sự thức tỉnh và sự tăng cường bài tiết histamin làm cho người bệnh khó ngủ. Vì vậy, thuốc có tác dụng gây ngủ nhưng có tác dụng phụ là táo bón, khô miệng, nhìn mờ.
Melatonin: được gọi là “hormon bóng đêm” do tuyến yên tiết ra vào ban đêm theo nhịp ngày đêm và sự tiết hormon này được cho là duy trì nhịp thức ngủ bình thường của con người. Sự tiết melatonin của cơ thể giảm dần khi tuổi càng cao. Việc sử dụng melatonin chỉ tác dụng với những bệnh nhân có rối loạn về nhịp thức ngủ.
Thuốc nguồn gốc thảo dược: một số thuốc có nguồn gốc thảo dược có tác dụng đối với những trường hợp mất ngủ như rotunda (được chiết xuất từ củ bình vôi), hoặc một số bài thuốc Đông y có tác dụng điều trị mất ngủ như sự kết hợp giữa táo nhân, quả dành dành, đinh lăng, bạch quả…
Những lưu ý khi sử dụng thuốc gây ngủ
Sử dụng thuốc gây ngủ cần có sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ và việc dùng thuốc gây ngủ chỉ là giải pháp tạm thời và cần phải kết hợp thêm những biện pháp không dùng thuốc mới có hiệu quả (như thay đổi thói quen ngủ hàng ngày, vệ sinh giấc ngủ…).
Nếu cần phải sử dụng thuốc ngủ lâu dài thì chỉ nên sử dụng khi cần thiết, không nên sử dụng một cách liên tục hàng ngày để tránh nghiện và giảm dung nạp với thuốc.
Chỉ dùng thuốc khi bạn có đủ thời gian để ngủ đầy đủ, tức là từ 7 – 8 tiếng.
Không bao giờ dùng thuốc cùng với rượu vì rượu có thể làm gián đoạn giấc ngủ và tương tác nguy hiểm với thuốc.
Không bao giờ lái xe hoặc vận hành máy móc sau khi dùng thuốc ngủ, đặc biệt khi mới bắt đầu sử dụng một loại thuốc ngủ nào đó.
Theo Suckhoedoisong